Khái quát về kháng nguyên và kháng nguyên vi khuẩn

Định nghĩa kháng nguyên

    Kháng nguyên là những chất khi xuất hiện trong cơ thể thì tạo ra kích thích đáp ứng miễn dịch và kết hợp đặc hiệu với những sản phẩm của sự kích thích đó (kháng thể và/hoặc lympho T).

Kháng nguyên


Hai tính chất cơ bản của kháng nguyên

-   Tính sinh miễn dịch (immunogenicity) là khả năng kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch.

-   Tính đặc hiệu (specificity) là khả năng kết hợp đặc hiệu của kháng nguyên  với kháng thể mà nó đã kích thích tạo ra.

Kháng nguyên hoàn toàn và bán kháng nguyên

-  Kháng nguyên hoàn toàn (complete antigen) là những kháng nguyên có khả kích thích đáp ứng miễn dịch và kết hợp đặc hiệu với kháng thể. Kháng nguyên này thường là polypeptid hoặc các phức hợp protid. Ví dụ như enzym hoặc ngoại độc tố.

-  Bán kháng nguyên (hapten) là những kháng nguyên không có khả năng kích thích tạo ra kháng thể, nhưng kết hợp đặc hiệu với kháng thể. Bản chất hóa học của hapten thường là acid nucleic hoặc lipid, hay chuỗi ngắn polysaccharid; ví dụ như vỏ polysaccharid của nhiều vi khuẩn hoặc ADN của các vi sinh vật.

Kháng nguyên vi khuẩn

    Vi khuẩn là những tế bào và bao gồm nhiều thành phần cấu tạo. Vì vậy nó bao gồm nhiều loại kháng nguyên. Dưới đây là những loại kháng nguyên chính và thường được sử dụng trong phân loại và xác định vi khuẩn:

Ngoại độc tố

    Một số vi khuẩn có ngoại độc tố (tả, Shigella shiga, uốn ván, hoại thư, bạch hầu). Đây là những chất độc có độc lực cao, do các vi khuẩn tiết ra bên ngoài tế bào.

   Về bản chất hóa học, ngoại độc tố là những protein hoặc polypeptid, nên chúng đều là những kháng nguyên tốt. Tuy nhiên một số ngoại độc tố là những chuỗi ngắn polypeptid và có thêm một số đường đơn hoặc lipid, nên tính kháng nguyên của chúng yếu và tính chịu nhiệt của chúng cao hơn. Ví dụ độc tố ruột của tụ cầu vàng hoặc ST (stable toxin) của E. coli.

   Hầu hết các ngoại độc tốcó thể xử lý với formalin (0,5%) ở 37°c (1 đến 2 tháng) để khử đi tính độc gọi là giải độc tố(anatoxin) nhưng vẫn còn tính kháng nguyên. Thực sự là kháng nguyên của giải độc tố có bị thay đổi đi một số nhóm bề mặt. Vì thể độc tính bị mất đi, nhưng nhiều quyết định kháng nguyên (epitop) vẫn không thay đổi, nên vẫn giữ được tính đặc hiệu kháng nguyên của ngoại độc tố. Kháng thể chống lại giải độc tố cũng chống lại ngoại độc tố, làm mất khả năng gây bệnh của ngoại độc tố, bằng cơ chế trung hoà. Hiện nay vacxin bạch hầu, ho gà và uốn ván được bào chế từ ngoại độc tố của ba vi khuẩn này. Kháng nguyên ngoại độc tố do có tính đặc hiệu cao nên cũng được sử dụng phân loại với một sốvi khuẩn. Tuy nhiên, ở một số vi khuẩn, các týp (biotype hoặc serotype) khác nhau nhưng tính đặc hiệu kháng nguyên ngoại độc tố giống nhau (ví dụ như ở vi khuẩn bạch hầu), và vì thế không thể phân loại các vi khuẩn này theo tính kháng nguyên của ngoại độc tố.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: vi sinh vật, các nhóm kháng sinh