Kháng sinh (antibiotics), thoạt đầu là do các tế bào sống (phần nhiều là vi sinh vật, đặc biệt là nấm Streptomycetes) tiết ra nên chúng được coi là yếu tố sinh học ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.
Đến nay kháng sinh còn là những dẫn xuất thu được sau những biến đổi hóa học (gọi là kháng sinh bán tổng hợp) hay bằng đường sinh tổng hợp trong phòng thí nghiệm (ví dụ sulfamid). Vì vậy, định nghĩa về chất kháng sinh đã được mở rộng, không phải duy nhất chỉ do vi sinh vật sinh ra.
Một số kháng sinh ức chế đặc hiệu quá trình trao đổi chất của vi khuẩn, do đó dùng để chữa các bệnh nhiễm khuẩn như penicillin, streptomycin.v.v. Một số kháng sinh ức chế quá trình trao đổi chất của cả tế bào tiền nhân (Procaryote) và tế bào nhân thật (Eucaryote) như mitomycin c, thì dùng để nghiên cứu thực nghiệm và một số có thể dùng cho điều trị ung thư (actinomycin D).
Chất kháng vi sinh vật (antimicrobial agents) là khái niệm để chỉ những chất có tác dụng chống lại sự phát triển của vi sinh vật nói chung, nó bao gồm kháng sinh chống vi khuẩn (antibacterial), chống nấm (antifungal), chống động vật nguyên sinh (antiprotozoal) và chống virus (antiviral). Trong bài này chỉ giới thiệu về kháng sinh chống vi khuẩn (thuốc kháng khuẩn, antibacterial agents).
ĐỊNH NGHĨA
Kháng sinh (antibiotics, chemotherapeutics) là những chất ngay ở nồng độ thấp đã có khả năng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn một cách đặc hiệu, bằng cách gây rối loạn phản ứng sinh học ở tầm phân tử (nồng độ thấp: nồng độ sử dụng để điều trị nhỏ hơn nhiều lần so với liều độc đối với cơ thể người; đặc hiệu mỗi kháng sinh chỉ có tác dụng trên một loại vi khuẩn hay một nhóm vi khuẩn).
XẾP LOẠI
Có nhiều kiểu xếp loại kháng sinh, theo tính chất hóa học hoặc theo nguồn gốc, theo phổ tác dụng hay theo cách tác dụng. Đối với vi sinh y học thì cách sắp xếp theo phổ tác dụng – khả năng chống vi khuẩn, có giá trị thực tế hơn.